Vào chiều ngày 17/5/2024, Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đăng đã phối hợp Trung tâm tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ Bảo tồn, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tiếp nhận từ một người dân (anh Vi Văn Kiên, thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), 01 cá thể Mèo rừng có tên khoa học Prionailurus bengalensis, thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ; giới tính cái, nặng khoảng 03 kg.
Vào chiều ngày 17/5/2024, Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đăng đã phối hợp Trung tâm tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ Bảo tồn, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tiếp nhận từ một người dân (anh Vi Văn Kiên, thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), 01 cá thể Mèo rừng có tên khoa học Prionailurus bengalensis, thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ; giới tính cái, nặng khoảng 03 kg.
Hình ảnh: Mèo rừng đã hồi sức sau hơn hai giờ được anh Vi Văn Kiên và bác sĩ thú y Cao Văn Ngọc Hoàng cứu hộ
Bác sĩ Thú y cứu hộ Mèo rừng bị mắc bẫy
Anh Vi Văn Kiên cho biết: vào khoảng gần 13 giờ 00 ngày 17/5/2024, anh đi ra chợ Đức Liễu tìm mua ít đồ dùng cá nhân thì phát hiện một con vật bị mắc bẫy (loại bẫy chuột) trong góc kẹt của một kiốt đang đóng cửa; tiến gần lại xem, anh thấy giống như là con Mèo rừng. Nhìn tổng quan, anh thấy con vật trong tình trạng sức khỏe rất yếu ớt, hai mắt đờ đẫn, không di chuyển được do chân mắc bẫy bị gãy. Anh Kiên đã nhanh chóng tháo bẫy mang về cửa hàng thuốc thú y Ngọc Hoàng đối diện chợ Đức Liễu để cấp cứu (đây cũng là nơi anh đang làm việc). Tại đây, Bác sĩ thú y Cao Văn Ngọc Hoàng đã không chần chừ, liền thăm khám, thực hiện các biện pháp hồi sức sau đó bó bột chân bị gãy cho Mèo rừng. Sau đó, Bác sĩ thú y Cao Văn Ngọc Hoàng đã liên hệ với Hạt Kiểm lâm Bù Đăng để bàn giao với mong muốn cho cá thể Mèo được cứu hộ và tái thả về môi trường tự nhiên.
Sau khoảng 02 giờ, Mèo rừng đã có dấu hiệu hồi phục, linh hoạt trở lại, có phản ứng linh hoạt đối với người đến xem.
Hình ảnh: Mèo rừng được Bác sĩ thú y Cao Văn Ngọc Hoàng, sơ cứu, trị thương
Sự tận tâm của nghề
Sau khi nhận được thông tin của bác sĩ thú y Ngọc Hoàng, Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đăng đã nhanh chóng thông tin cho Trung tâm tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ Bảo tồn, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước về tình trạng của cá thể Mèo rừng, được anh Trần Văn Trưởng - Phó Giám đốc Trung tâm dặn dò cách chăm sóc cho động vật và thông báo sẽ lên đường ngay để nhanh chóng tiếp nhận cứu hộ, động vật.
Vào lúc 15 giờ 40 phút (sau khoảng hơn hai giờ nhận được thông tin) tổ công tác của Trung tâm tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ Bảo tồn gồm 05 người, đi trên 03 xe máy 02 bánh đã có mặt tại cửa hàng Thú y Ngọc Hoàng và làm các thủ tục tiếp nhận.
Ông Trần Văn Trưởng - Phó Giám đốc - Trung tâm tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ Bảo tồn, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết khi nhìn thấy hình ảnh cá thể Mèo rừng đang bị thương do Hạt Kiểm lâm Bù Đăng cung cấp trước đó, Ông nhận định trường hợp này cần phải cứu hộ ngay. Được sự đồng ý của lãnh đạo Vườn QG Bù Gia Mập, Tổ công tác đã lập tức lên đường để kịp thời cứu hộ, không để xảy ra tình trạng không mong muốn là để cá thể Mèo bị chết do không được cứu hộ kịp thời.
Hình ảnh: Anh Vi Văn Kiên, bác sĩ thú y Ngọc Hoàng (giữa) bàn giao cá thể Mèo rừng cho lực lượng chức năng.
Hiệu quả của sự lan toả trong cộng đồng
Các anh Vi Văn Kiên, bác sĩ Thú y Cao Văn Ngọc Hoàng tại thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước với sự hiểu biết, nghĩa cử cao đẹp của mình, đã cứu giúp động vật hoang dã được sớm trở về môi trường tự nhiên. Đây là những tấm gương sáng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ý thức về trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã hiện nay. Đây là những tấm gương sáng, những nhân tố tích cực cần được vinh danh, ghi nhận và nhân rộng để tạo sự lan toả trong cộng đồng.