Tại Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp, các học viên đã được tham quan các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng do các nhân viên của Hạt Bù Đốp sáng chế và đã được Ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Kiểm lâm Bù Đốp, hướng dẫn về cấu trúc, cách vận hành các phương tiện chữa cháy rừng. Các học viên cũng đã được hướng dẫn thực tập tại chỗ.
Theo Ông Nguyễn Văn Ách, các phương tiện chữa cháy rừng trên đã được áp dụng chữa cháy rừng trong nhiều năm qua trên địa bàn huyện Bù Đốp. Quá trình thực hiện chữa cháy rừng với các loại phương tiện trên đã cho thấy có nhiều ưu điểm như: dễ vận hành; có thể di chuyển trên mọi địa hình và có tính năng ưu trội là không tốn nhiều nước mà hiệu quả chữa cháy lại rất cao; ngoài ra, kinh phí đầu tư các phương tiện này có giá thành rẻ (chỉ khoảng 7 triệu đồng/01 phương tiện).
Các học viên tìm hiểu, vận hành phương tiện chữa cháy tự chế tại Hạt Kiểm lâm Bù Đốp
Các học viên cũng đã được hướng dẫn tham quan 30 ha rừng trồng do Hạt Kiểm lâm Bù Đốp trồng tại các khu vực bán ngập thuộc lòng hồ thuỷ điện Cần Đơn. Theo Hạt trưởng Kiểm lâm Bù Đốp; các loài cây như Sao đen, Tràm cừ, các loại Dầu, Gáo… có thể sống và phát triển tốt đối với vùng đất ngập nước này, trong đó, cây Gáo có thể được xem là loài cây phát triển tốt nhất tới thời điểm hiện giờ, nhưng để đảm bảo điều kiện sống tốt nhất thì cây giống phải cao từ 1 – 1,5 m và có đường kính từ 5cm trở lên
.
Học viên tham quan Rừng trồng bán ngập lòng hồ Thủy điện Cần Đơn
Chuyến tham quan đã được sự đón nhận nhiệt tình của các học viên. Các học viên cảm thấy thú vị và rất hào hứng qua việc tìm hiểu, vận hành các thiết bị chữa cháy rừng và được tham quan, tìm hiểu khu vực trồng rừng vùng bán ngập hồ Cần Đơn của Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp. Đa số các học viên đều thống nhất sẽ triển khai, vận dụng mô hình các phương tiện, dụng cụ PCCCR của huyện Bù Đốp vào đơn vị của mình./.