Gây nuôi động vật hoang dã là một trong những biện pháp bảo tồn nguồn gen, hạn chế đánh bắt từ tự nhiên đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương. Tuy nhiên nếu không quản lý tốt sẽ xảy ra tình trạng săn bắn, bẫy bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã nhất là ở Khu rừng di tích Tà Thiết, khu vực biên giới giáp với nước Cam Phu Chia. Việc đảm bảo an toàn sinh học ở các cơ sở nuôi nhốt chưa được quan tâm, chú trọng, nhất là các loài động vật có thể gây bệnh cho người nuôi hay nuôi tập trung một số loài động vật hung dữ nguy hiểm như Cá sấu, Trăn đất.
Cá Sấu được gây nuôi
Việc nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã trên địa bàn hiện nay còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chạy theo lợi ích thị trường do đó khi nhu cầu của thị trường bão hoà, sản phẩm không có đầu ra dẫn đến các hộ bỏ nuôi, không đầu tư chăm sóc, không thông báo cho cơ quan chức năng để quản lý như việc nuôi Nhím, Hươu sao trong những năm gần đây.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận gây nuôi vẫn còn gây khó khăn cho các cơ sở nuôi như bản cam kết môi trường, vệ sinh thú y, có một số cơ sở mất thời gian dài vẫn chưa làm xong bản cam kết môi trường nên không cấp giấy chứng nhận được từ đó gây khó khăn cho người nuôi.
Trong 06 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn huyện Lộc Ninh, các cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra phát hiện 07 vụ vi phạm về quản lý động vật hoang dã, đã lập biên bản xử lý nghiêm theo quy định.
Để quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã được tốt, Hạt kiểm lâm Lộc Ninh đẩy mạnh công tác quản lý động vật hoang dã theo Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ Tướng Chính phủ, Chỉ thị 3837/CT-BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trong thời gian tới áp dụng thực hiện các giải pháp sau đây:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức được đẩy mạnh trên đài phát thanh huyền hình, lồng ghép trong các cuộc họp dân, thực hiện văn bản tuyên truyền: Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, Nghị định số 82/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 3837/Ct-BNN-TCLN ngày 07/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT, Thông tư 47/2012/TT-BNNPTNT, Quyết định số 4110/QĐ-BNN-KHCN ngày 31/12/2006, Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29/9/2008 của Bộ Nông nghiệp & PTNT.
2. Làm tốt công tác phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm với UBND các xã, thị trấn và các ngành chức năng (Thú y, Tài nguyên và Môi trường...) để tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận nuôi động vật hoang dã, tăng cường công tác thẩm định các điều kiện gây nuôi, những hộ nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện mới cấp giấy đăng ký trại nuôi.
3. Việc kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt phải thực hiện hàng tháng, cần tập trung vào: Điều kiện an toàn chuồng trại cho người và vật nuôi; công tác vệ sinh môi trường, quy trình, kỹ thuật chăm sóc, ngăn ngừa dịch bệnh; tình hình cập nhật thông tin, theo dõi, ghi chép sổ sách về phát sinh tăng - giảm số lượng, chủng loại vật nuôi... Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là những chủ hộ lợi dụng nhập động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp đưa vào đàn nuôi.
4. Nghiên cứu, đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân hiện đang nuôi nhốt một số loài động vật hoang dã trái phép nhưng tự nguyện giao nộp cho Nhà nước để quản lý./.
Hữu Sử
Hạt KL Lộc Ninh