Trong những năm qua, được sự chỉ đạo của các cấp Bộ, ngành Trung ương về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, cùng với đó là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh Bình Phước triển khai quyết liệt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong năm 2023, Chi cục Kiểm lâm tập trung triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và phòng chống cháy rừng như: Tham mưu triển khai Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư; Công văn số 123/BNN-TCLN ngày 09/01/2023; Công điện số 2457/CĐ-BNN-TCLN ngày 24/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua đó ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể:
- Độ che phủ rừng năm 2023 đạt 22,57%.
- Diện tích rừng trồng mới trong quy hoạch 03 loại rừng từ giai đoạn 2021-2023 là 170 ha.
- Số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã giảm đáng kể qua các năm: Năm 2023 là 44 vụ, giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 26 vụ so với cùng kỳ năm 2021.
- Trong những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ. Tình hình khiếu kiện, khiếu nại các vụ việc liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trong năm 2023 đã được giải quyết (05 vụ).
Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố hiện nay đều có lực lượng Kiểm lâm là các Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR thường xuyên phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ tuần tra, truy quét bảo vệ rừng. Diện tích rừng được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên; các hệ sinh thái rừng đã phát huy được giá trị đa dụng và chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm quốc phòng an ninh, quốc phòng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khi tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Hình ảnh: Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng (nguồn: Internet)
Đạt được kết quả trên là do:
- Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến về nhận thức và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Về quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã được phát huy; ý thức quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng ngày càng thể hiện được vai trò trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR đối với diện tích rừng được giao.
- Việc trang bị các công cụ, dụng cụ cần thiết phục vụ các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cơ bản phần nào đáp ứng được nhiệm vụ.
- Công tác phối kết hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với các cơ quan có liên quan trong công tác kiểm tra, truy quét và xử lý các hành vi vi phạm thực hiện có hiệu quả.
- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng gắn với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để giáo dục phòng ngừa chung.
Mặc dù vậy, các vụ vi phạm pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân là do tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng, ven rừng tự ý xâm nhập vào rừng trái phép để lấy Măng, thu hái lá Nhíp, đọt Mây. Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, lợi dụng đêm vắng, mưa gió…để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng phải phụ trách địa bàn rộng, địa hình phức tạp.
Trong thời gian tới, để rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao độ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra, cần tiếp tục sử dụng có hiệu quả kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng, nghiên cứu ứng dụng dịch vụ "Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; thực hiện tốt công tác quản lý rừng bền vững… Bên cạnh đó là triển khai đồng bộ hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư và Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 02/01/2024 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.