CÔNG TÁC TRỒNG RỪNG THAY THẾ SẼ ĐƯỢC THỰC HIỆN CẢ TRÊN ĐẤT RỪNG SẢN XUẤT

Thứ năm - 16/02/2023 03:24 981 0
Đó là điểm mới của Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Thông tư số 25 có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2023, thay thế Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2019 Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Theo quy định tại Thông tư số 13 trước đây, “Kinh phí trồng rừng thay thế do Chủ dự án nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được ưu tiên sử dụng theo thứ tự: trồng rừng đặc dụng; trồng rừng phòng hộ; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; điều chuyển kinh phí để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại địa phương khác”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 25 này “Trồng rừng thay thế là việc trồng rừng mới trên diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hoặc trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng không thành rừng đã hoàn thành việc thanh lý rừng trồng khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật”.
(Hình minh họa: Rừng trồng thay thế)
Từ mở rộng đối tượng trồng rừng
Như vậy, so với quy định tại Thông tư số 13 thì đối tượng được bố trí trồng rừng thay thế theo Thông tư số 25 đã mở rộng hơn trước.
Thực tế, đa số các dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng đều thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền thay vì tự trồng rừng thay thế. Nguyên nhân là do các Chủ dự án không có nhiều kinh nghiệm trong công tác trồng rừng; mặt khác, nếu tự trồng rừng thay thế sẽ phải thành lập thêm bộ phận để đảm nhận công tác này. Do đó, đa số các Chủ dự án lựa chọn hình thức nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Nếu thực hiện theo Thông tư số 13 thì kinh phí do các Chủ dự án nộp về sẽ được ưu tiên theo thứ tự: trồng rừng đặc dụng; trồng rừng phòng hộ; hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Nghĩa là các tỉnh dù có quỹ đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất do các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý cũng không thể bố trí trồng rừng bằng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế do các Chủ dự án đã nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh mà chỉ có thể hỗ trợ kinh phí trồng rừng cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn với mức hỗ trợ từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng trên 1 hecta.
Khi thực hiện công tác trồng rừng thay thế theo Thông tư số 25, thì chỉ cần tỉnh có quỹ đất chưa có rừng thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất thì có thể bố trí trồng rừng thay thế bằng nguồn kinh phí do các Chủ dự án nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Thay đổi này sẽ tạo điều kiện cho các ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Bình Phước có quỹ đất chưa có rừng thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất đăng ký và tiến hành trồng rừng bằng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế thay vì chờ bố trí từ ngân sách Nhà nước.
Đến đơn giản thành phần hồ sơ
Theo Thông tư số 13, thành phần hồ sơ đề nghị nộp tiền trồng rừng thay thế (trong trường hợp Chủ dự án không tự trồng rừng thay thế), gồm: Văn bản của Chủ dự án đề nghị UBND cấp tỉnh chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế; Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Báo cáo về diện tích, hiện trạng rừng (theo mục đích sử dụng, nguồn gốc hình thành, chủ quản lý) dự kiến chuyển mục đích sử dụng; các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Hiện nay, theo Thông tư số 25, hồ sơ đề nghị nộp tiền trồng rừng thay thế (trong trường hợp Chủ dự án không tự trồng rừng thay thế), gồm: Bản chính văn bản đề nghị chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; Bản sao văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Bản sao các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Như vậy, so với Thông tư số 13 thì hồ sơ đề nghị trồng rừng thay thế theo Thông tư số 25 không có “Báo cáo về diện tích, hiện trạng rừng (theo mục đích sử dụng, nguồn gốc hình thành, chủ quản lý) dự kiến chuyển mục đích sử dụng”. Điều này đã giúp cho các Chủ dự án và cơ quan quản lý Nhà nước tiết kiệm được thời gian và chi phí in ấn, gửi hồ sơ và hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Bởi lẽ, khi thực hiện các trình tự thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Chủ dự án đã nộp hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng trong đó có “Báo cáo về diện tích, hiện trạng rừng (theo mục đích sử dụng, nguồn gốc hình thành, chủ quản lý) dự kiến chuyển mục đích sử dụng”. Sau khi được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thì quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, khi thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế chỉ cần quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng làm căn cứ để thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế.
Ngoài các điểm mới nêu trên, thì Thông tư số 25 còn có một số sửa đổi về thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thông báo về đơn giá trồng rừng thay thế, tiếp nhận tiền trồng rừng thay thế. Chi tiết Thông tư đề nghị truy cập website: https://www.tongcuclamnghiep.gov.vn hoặc http://kiemlam.binhphuoc.gov.vn để tải về. (Kèm TT 25 đính kèm)

Tác giả bài viết: Cao Xuân Hưng

Nguồn tin: Phòng Sử dụng và Phát triển rừng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay4,216
  • Tháng hiện tại47,706
  • Tổng lượt truy cập1,570,411
CHI CỤC KIỂM LÂM TỈNH BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm nội dung : Ông Trần Quốc Hùng - Chi cục trưởng - Trưởng ban biên tập
Đc: 673 đường Phú Riềng Đỏ, P. Tân Bình, TX Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
ĐT 0271.3.879461 - 0271.3.886.490 ; Email: CCKIEMLAMBINHPHUOC@GMAIL.COM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây