Hiện nay, khu vực sinh sống chủ yếu đàn Bò tót thuộc các tiểu khu 386, 387, 388, 389, 391 thuộc lâm phần xã Tân Hòa và tiểu khu 362, 363, 377, 378 xã Tân Lợi trên địa bàn huyện Đồng Phú và thường xuyên di chuyển qua lại khu vực rừng giáp biên thuộc tỉnh Đồng Nai, rừng địa bàn xã Tân Hòa và Tân Lợi (huyện Đồng Phú) và lâm trường Phú Bình (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).

Bò tót ở vị trí tiểu khu 377 trên địa bàn xã Tân Lợi
Qua công tác theo dõi, giám sát và quản lý, bảo vệ của Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú, được biết vào mùa mưa, các cá thể Bò tót thường tập trung sinh sống kiếm ăn theo bầy đàn phạm vi hẹp, vì vậy rất thuận tiện cho lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng theo dõi, thực hiện các biện pháp bảo vệ; vào mùa nắng các cá thể Bò tót thường tách đàn kiếm ăn trên phạm vi rộng hơn, có thời điểm một số cá thể đi kiếm ăn ngoài khu vực quy hoạch lâm nghiệp, đến cả vườn, rẫy của người dân ăn lá mỳ, bắp gây phá hoại trên nương rẫy của người dân, vì vậy công tác quản lý bảo vệ cho đàn bò gặp nhiều khó khăn hơn.
Để tăng cường bảo vệ đàn Bò tót quý hiếm, Hạt kiểm lâm Đồng Phú cùng các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp, bảo vệ nghiêm ngặt sinh cảnh những khu rừng có đàn bò đang sinh sống, hạn chế thấp nhất các tác động đến rừng và các vùng xung quanh giáp khu vực đàn bò sinh sống. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo đến hộ dân các xã trong vùng, các doanh nghiệp, Công ty đang được giao, thuê đất lâm nghiệp đang thực hiện các dự án trồng rừng sản xuất, cây công nghiệp (cao su), đặc biệt tuyên truyền, vận động và giải thích để cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân có liên quan đến hoạt động lâm nghiệp bị các cá thể Bò tót gây thiệt hại về tài sản; hiểu rõ việc chấp hành tuyệt đối các biện pháp bảo vệ, không có bất cứ tác động gì (như săn bắn, bẩy, giết…) đến đàn Bò tót mà báo cáo kịp thời đến cơ quan Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng biết để xử lý kịp thời.
Hiệu quả công tác tuyên truyền đã tác động tích cực trong cộng đồng cùng chung tay bảo vệ đàn bò: Từ đầu năm 2021 cho đến thời điểm hiện nay đàn Bò tót được quản lý, bảo vệ rất tốt; có 05 hộ nhận khoán phản ánh kịp thời thông tin khi Bò tót xuất hiện trên nương rẫy của họ, lực lượng Kiểm lâm đã có mặt kịp thời để điều hướng đàn Bò trở lại rừng, hạn chế thiệt hại về hoa màu, tài sản trên nương, rẫy của người dân.
Bò tót có tên khoa học Bos Gaurus là động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Mọi hành động xâm hại đến đàn Bò tót đều bị xử lý trước pháp luật theo quy định.