Một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Thứ hai - 10/07/2023 03:17 882 0
Sau khi Chính phủ ban hành 02 Nghị định nêu trên, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai, hướng dẫn thực hiện đến Hạt Kiểm lâm cấp huyện, các đơn vị chủ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc
        Ngày 22/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; đến ngày 22/9/2021, ban hành Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019.
        Sau khi Chính phủ ban hành 02 Nghị định nêu trên, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai, hướng dẫn thực hiện đến Hạt Kiểm lâm cấp huyện, các đơn vị chủ rừng. Trong quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:
        - Thiếu hướng dẫn cụ thể như về điều kiện nuôi, chế biến, kinh doanh ĐVHD; một số quy định không phù hợp như quy định cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại các loài động vật rừng, thực vật rừng Nhóm I tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.
        - Việc xác định giá trị tang vật, vật chứng là ĐVHD, động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm để làm căn cứ xử lý vi phạm pháp luật, Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định cần “xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt” hoặc trong trường hợp không xác định được giá trị tang vật thì thành lập Hội đồng định giá. Tuy nhiên, tang vật, vật chứng là ĐVHD, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được lưu hành trên thị trường (đương nhiên không có giá được niêm yết trên thị trường) nên không có căn cứ để xác định giá trị của tang vật, vật chứng, đồng nghĩa với việc khó khăn trong xử lý vi phạm.
        - Chưa có sự thống nhất về danh mục các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, đặc biệt giữa Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ với Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
        - Thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc tài liệu hướng dẫn về chuồng trại nuôi ĐVHD, các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi; chưa có Danh mục loài và chế độ quản lý riêng cho các loài ĐVHD có nguy cơ cao làm lây nhiễm bệnh cho người.
Ảnh minh họa: Hãy cùng bảo vệ các loài động vật hoang dã (nguồn: Internet)
        Đề xuất các giải pháp:
        - Cần bổ sung quy định quản lý, chế tài xử phạt và thẩm quyền xử lý vi phạm đối với các hành vi khai thác ĐVHD trong tự nhiên ở ngoài phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, ví dụ như các hành vi săn, bẫy, bắt chim di cư, chim hoang dã ngoài bìa rừng, trên cánh đồng, đồng cỏ, trong khu vực gần nhà dân, trong khu dân cư…, góp phần ngăn chặn, kiểm soát các điểm nóng về săn bắn, bẫy các loài hoang dã, chim di cư.
        - Bổ sung các căn cứ dựa vào nhóm/loài, số lượng, trọng lượng, khối lượng, để xác định mức độ vi phạm và định khung xử phạt, đáp ứng yêu cầu xử lý vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD. Khắc phục được thực trạng không có căn cứ để xác định giá trị tang vật, vật chứng bởi vì không có giá được niêm yết trên thị trường.
        - Cần quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vấn đề bảo vệ động, thực vật hoang dã và bảo tồn thiên nhiên; Đặc biệt, cần có các cơ chế hợp tác bắt buộc giữa 2 Bộ nêu trên trong ban hành các quy định chuyên ngành để đảm bảo tính đồng nhất. Hợp nhất các Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi và bổ sung bởi Nghị đinh 84/2021/NĐ-CP) và Nghị định 160/2013/NĐ-CP (Điều 7 được sửa đổi bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP). Nghị định mới cần có một Danh mục loài; cách quản lý, trách nhiệm của hai Bộ và thống nhất thực hiện ở địa phương.
        - Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nuôi động vật hoang dã: Rà soát các quy định về đăng ký, quản lý cơ sở nuôi để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện; cập nhật và bổ sung các quy định về nuôi ĐVHD gắn với các tiêu chí về an toàn sinh học và môi trường, quản lý dịch bệnh; Ban hành và cập nhật danh mục các loài được nuôi, không được nuôi và hướng dẫn quy hoạch nuôi ĐVHD, quy hoạch vùng nuôi ĐVHD cho địa phương.

        - Nâng cao năng lực về giám sát dịch bệnh, nguy cơ truyền lây và an toàn môi trường - sinh học cho hoạt động nuôi; thực hiện chương trình giám sát các hoạt động nuôi về bệnh truyền lây và các dịch bệnh khác; thực hiện chương trình giám sát an toàn môi trường và an toàn sinh học ở các cơ sở nuôi.
        - Thực hiện các chương trình truyền thông về bảo vệ ĐVHD và các rủi ro bệnh truyền lây ở các hoạt động nuôi nhằm nâng cao nhận thức về các nguy cơ bệnh truyền lây từ ĐVHD và bảo vệ ĐVHD trước nạn săn bắt và buôn bán, nuôi nhốt trái pháp luật.
        - Nâng cao năng lực cho các bên tham gia quản lý và thực thi pháp luật về nuôi ĐVHD: Nâng cao năng lực cho cán bộ Kiểm lâm, thú y, chủ trang trại và người nuôi về thú y, quản lý rủi ro bệnh lây truyền từ ĐVHD./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Sơn

Nguồn tin: Phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay4,973
  • Tháng hiện tại140,318
  • Tổng lượt truy cập1,746,176
CHI CỤC KIỂM LÂM TỈNH BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm nội dung : Ông Trần Quốc Hùng - Chi cục trưởng - Trưởng ban biên tập
Đc: 673 đường Phú Riềng Đỏ, P. Tân Bình, TX Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
ĐT 0271.3.879461 - 0271.3.886.490 ; Email: CCKIEMLAMBINHPHUOC@GMAIL.COM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây