Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể sau:
1. Tiếp tục quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 01/11/2017 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp trong thời gian tới”; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó chú trọng vào một số nội dụng chủ yếu sau:
- Rà soát, kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 các cấp, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương. Coi công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo các cấp.
- Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương; các cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông địa phương thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Tăng cường kiểm tra, rà soát phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cấp và chủ rừng, phương án phải đảm bảo, gồm: chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng xảy ra, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn.
- Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi cháy rừng xảy ra.
- Tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong các thời kỳ cao điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Tổ chức thường trực 24/24 giờ trong ngày, bố trí lực lượng canh phòng ở những khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; hướng dẫn quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, việc sử dụng lửa của khách thăm quan tại các khu rừng danh lam thắng cảnh, khu du lịch, khu lễ hội ở gần rừng, kiên quyết không để phát sinh nguồn lửa gây cháy lan vào rừng.
- Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chủ rừng trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và khi có cháy rừng xảy ra, không tổ chức chữa cháy kịp thời.
2. Chỉ đạo theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Báo cáo ngay khi phát hiện cháy rừng về Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước theo số điện thoại: 0986.668.333 để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc