Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 phải vượt mức 11 tỷ USD

Thứ năm - 28/02/2019 03:32 508 0
Ngày 22/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và khoảng 600 đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội và trên 300 doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau 14 năm phát triển, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Theo thống kê năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, chiếm trên 25% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 Châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Từ hiệu quả của chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đến nay, gỗ rừng trồng trong nước đã đáp ứng trên 80% nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến. Chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đã từng bước được nâng lên. Cùng với đó, năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng và tính thẩm mỹ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là DN tư nhân, 3,5% DN có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số DN chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 DN. Nhiều DN đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ giúp nâng cao giá trị gia tăng. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, không chỉ mang lại sinh kế cho trên 20 triệu người dân, mà còn khẳng định vị thế là ngành kinh tế xanh, mang lại nhiều ngoại tệ…


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá mức tăng trưởng trên 800% trong thời gian hơn 10 năm qua là một kết quả rất đáng biểu dương, thể hiện thành quả của sự cố gắng nỗ lực không ngừng, tinh thần làm việc say mê sáng tạo của cộng đồng các DN chế biến gỗ và lâm sản. Chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, giúp giải quyết nhiều lao động và là một trong ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu bứt phá toàn diện ngành kinh tế, do đó, ngành gỗ và lâm sản cũng phải có ý chí quyết tâm, quyết liệt tìm kiếm, triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển trên cơ sở nhận diện đầy đủ tiềm năng, lợi thế, hướng tới phát triển bền vững. Biểu dương những kết quả nổi bật đã đạt được, tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu là còn rất khiêm tốn. Dù vậy, hội nhập quốc tế, sự tham gia các hiệp định thương mại, cùng xu hướng nguồn nguyên liệu hợp pháp trong nước ngày càng chủ động, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của người dân và các DN trong bảo vệ và phát triển rừng. Thủ tướng mong muốn các DN tiếp tục nâng cấp, ứng dụng công nghệ cao, tự động hoá, đa dạng mẫu mã, thiết kế, tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các Bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách tín dụng phù hợp hỗ trợ và huy động sự tham gia của đông đảo người dân trong trồng rừng, xây dựng nguồn nguyên liệu hợp pháp. Bên cạnh đó là để người dân các địa phương được hưởng lợi từ rừng và lâm sản đặc sản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương tìm kiếm các giải pháp về liên kết, giải quyết tốt bài toán về thị trường tiêu thụ trên cơ sở bám sát các hiệp định tự do thương mại, tiến tới mở rộng và thâm nhập sâu rộng vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu EU... Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng, trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 11 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch cụ thể để kịp thời tuyên truyền và xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách thực thực hiện các cam kết quốc tế mới như: CPTPP, VPA/FLEGT để hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển ổn định.

Ngành cũng đảm bảo cung ứng khoảng 37,5 triệu m3 gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Theo đó, ngành tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo thông lệ, tiêu chí quốc tế; hạn chế xuất khẩu nguyên liệu gỗ thô. 

Ngành cũng sẽ tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; vận động người dân thay đổi tập quán canh tác trồng rừng từ quảng canh sang thâm canh rừng. Ngành sẽ cùng các địa phương tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm để hoàn thiện và nhân rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng rừng nhằm chủ động nguồn nguyên liệu.

 

Về tận dụng các cơ hội từ các FTA, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ duy trì tăng trưởng ổn định tại các thị trường hiện có và tìm kiếm mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới nổi.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay8,349
  • Tháng hiện tại67,333
  • Tổng lượt truy cập1,673,191
CHI CỤC KIỂM LÂM TỈNH BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm nội dung : Ông Trần Quốc Hùng - Chi cục trưởng - Trưởng ban biên tập
Đc: 673 đường Phú Riềng Đỏ, P. Tân Bình, TX Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
ĐT 0271.3.879461 - 0271.3.886.490 ; Email: CCKIEMLAMBINHPHUOC@GMAIL.COM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây