Những điểm mới của Luật Lâm nghiệp và những khó khăn vướng mắc trong công tác triển khai tại địa phương

Thứ ba - 24/11/2020 19:52 11.941 0
Luật Lâm nghiệp năm 2017, có 12 Chương với 108 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Luật Lâm nghiệp quy định về quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; phát triển rừng, sử dụng rừng; chế biến thương mại lâm sản; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và Kiểm lâm. So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp năm 2017 có rất nhiều điểm mới, nhiều quy định bổ sung được Luật hóa thay vì các quy định trong các thông tư, nghị định trước đây
Hơn 25 năm qua, Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng vào thực tiễn Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 vẫn còn những tồn tại, bất cập, Luật vẫn mang tính chất khung, thiếu cụ thể. Điều này dẫn đến việc phải ban hành khoảng gần 100 văn bản dưới luật để quy định chi tiết, tạo ra một lĩnh vực phát luật về bảo vệ phát triển rừng đa tầng, cồng kềnh, có không ít mâu thuẫn và chồng chéo.  Do vậy ngày 15/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Lâm nghiệp thay thế Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2017 nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế mà Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chưa đáp ứng.
Luật Lâm nghiệp năm 2017, có 12 Chương với 108 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.  Luật Lâm nghiệp quy định về quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; phát triển rừng, sử dụng rừng; chế biến thương mại lâm sản; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và Kiểm lâm. So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp năm 2017 có rất nhiều điểm mới, nhiều quy định bổ sung được Luật hóa thay vì các quy định trong các thông tư, nghị định trước đây. Trong đó, nổi bật là những điểm mới cơ bản sau:
          Thứ nhất:  Luật Lâm nghiệp đã mở rộng phạm vi điều chỉnh xác định lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, từ hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng (Điều 2). Luật đã khẳng định lâm nghiệp là ngành kinh tế - xã hội có liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; khẳng định ngành Lâm nghiệp vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa phát huy giá trị xã hội là thích ứng với biến đổi khí hậu với đòi hỏi phải quản lý bền vững.
          Thứ hai: Luật quy định một số điểm mới khác về định nghĩa rừng (khoản 3 Điều 2) được xác định theo 03 tiêu chí diện tích, chiều cao cây, độ tàn che của cây rừng để phù hợp với thực tiễn Việt Nam và đáp ứng yêu cầu chung của quốc tế. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chưa quy định cụ thể 02 yếu tố là chiều cao và diện tích.
          Thứ ba: Về phân loại rừng (Điều 5): Ngoài các quy định về 03 loại rừng như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp năm 2017 còn bổ sung thêm như sau: Đối với rừng đặc dụng có thêm rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia; đối với rừng phòng hộ có thêm rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới.
          Thứ tư: Luật đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng (Điều 7) theo quy định của Hiến pháp năm 2013; theo đó, quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: (i) Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ, rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật (ii) Rừng thuộc sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật. Luật Lâm nghiệp đã mở rộng thêm một đối tượng chủ rừng đó là Cộng đồng dân cư, trong khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng không công nhận.
          Thứ năm: Thay thế Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở 4 cấp bằng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia: Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng được lập ở 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Luật Lâm nghiệp 2017 đã có thay đổi rất cơ bản là thay thế quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở 4 cấp bằng quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia để phù hợp với Luật Quy hoạch. Khoản 2 – Điều 11 của Luật Lâm nghiệp 2017 đã quy định các nội dung quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có các nội dung về định hướng phát triển 3 loại rừng, kết cấu hạ tầng lâm nghiệp và phát triển thị trường, vùng nguyên liệu, chế biến lâm sản. Do đặc thù của ngành nên trong Luật Lâm nghiệp đã có các quy định về nguyên tắc, căn cứ, nội dung quy hoạch; trách nhiệm lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
          Thứ sáu: Luật quy định quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác do Chính phủ phê duyệt (Điều 14). Luật hóa cụ thể những điều kiện khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đặc biệt là phải có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế. Nội dung này, Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/03/2006 không quy định cụ thể. Về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng có sự thay đổi rất lớn khi quy định thẩm quyền của Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh, trong khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng chỉ quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh (Điều 19, Điều 20).
          Thứ ba: Đổi mới chính sách lâm nghiệp; không quy định giao rừng có thu tiền sử dụng rừng mà thay thế bằng hình thức cho thuê rừng. Nhà nước cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất; đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chỉ áp dụng hình thức cho thuê môi trường rừng và thuộc quyền của chủ rừng; nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp; nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp. Luật đã mở rộng hơn quyền hưởng lợi của chủ rừng đối với rừng tự nhiên phục hồi, rừng nghèo. Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái sinh nên việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn.
          Thứ tám: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Điều 21). Đây là một quy định hết sức quan trọng, là điều kiện để đảm bảo vốn rừng luôn được duy trì và phát triển. Đặc biệt, thay đổi đáng kể ở đây là chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là rừng tự nhiên thì diện tích rừng phải trồng rừng thay thế gấp 3 lần diện tích rừng chuyển đổi, bên cạnh đó quy định thêm về việc nộp tiền trồng rừng thay thế mà Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 không quy định.
          Thứ chín: Luật quy định quản lý rừng bền vững (Điều 27, Điều 28), đây là nguyên tắc xuyên suốt của hoạt động lâm nghiệp; rừng được quản lý bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ rừng phải thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững; Chủ rừng là tổ chức phải xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Nội dung này được tiếp tục thể hiện ở các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của chủ rừng; Tại Điều 56: Chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Tại Điểm b Khoản 2 Điều 79: Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt.
          Thứ mười: quy định về dịch vụ môi trường rừng (Điều 61 đến Điều 65). Đây là điểm mới tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng khai thác lợi ích tiềm năng của rừng, từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng. Các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được chi trả cho những người bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, Luật hóa được mối quan hệ giữa bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng và bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng.
          Mười một: Quy định về chế biến và thương mại lâm sản (Điều 66 đến Điều 72), vì giá trị của ngành lâm nghiệp tập trung ở khâu này. Luật tập trung quy định rõ chính sách phát triển thị trường lâm sản theo hướng khuyến khích phát triển sản xuất, tạo cú hích cho chế biến lâm sản trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp; quy định hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong chế biến lâm sản; nhà nước xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Chính sách phát triển thị trường lâm sản theo hướng hỗ trợ tổ chức, cá nhân hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, chế biến tiêu thụ lâm sản.
          Mười hai:  Quy định về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Điều 95). Đây là nội dung rất quan trọng, quy định rõ về tổ chức, nguyên tắc hoạt động và nguồn tài chính của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, làm cơ sở để thực hiện các hoạt động liên quan đến huy động tài chính và hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng.
          Mười ba: Quy định về khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp (Điều 96 đến Điều 99). Đây là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập các hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp mang tầm quốc tế, là hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp tại Việt Nam.
          Mười bốn: Về đổi mới tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp. Luật đã quy định khung về cơ quan có chức năng tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp và tổ chức kiểm lâm. Trên cơ sở đó Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan này, tạo sự linh hoạt và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động lâm nghiệp. Đối với Kiểm lâm có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng. Trong luật quy định cụ thể một số cơ chế, chính sách, thẩm quyền để bảo đảm hành lang pháp lý cần thiết cho lực lượng Kiểm lâm tổ chức hoạt động bảo vệ rừng, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng hiệu quả hơn.
Những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai Luật Lâm nghiệp tại địa phương
          *Thuận lợi:
          Thứ nhất: Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong triển khai thực hiện Luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
          Thứ hai: Được sự phối hợp của các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Thông tin và Truyền thông trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật, trong công tác phối hợp hoạt động thực hiện nhiệm vụ được giao.
          Thứ ba: Có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo, đài phát thanh, truyền hình địa phương, các tổ chức Đoàn, hội, các Nhà trường trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
          Thứ tư:  Có sự đồng thuận, tiếp thu nghiêm túc, cầu thị của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng (chủ rừng) trong việc tổ chức thực hiện Luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
          Thứ năm: Luật Lâm nghiệp với những quy định mới, quan tâm hơn đến những người trực tiếp tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng, trao quyền cho người trực tiếp sản xuất trong quản lý, khai thác, chế biến lâm sản đã tạo sự đồng thuận trong đông đảo nhân dân.
          *Khó khăn
          Thứ nhất: Khi triển khai Luật có thay đổi về cơ chế, chính sách so với trước đây, nên các đơn vị chủ rừng, các địa phương vẫn còn những bỡ ngỡ nhất định, tạo ra sự dè dặt trong quá trình thực hiện, áp dụng.
          Thứ hai: Khi triển khai thiếu sự đồng bộ với các quy định của Luật Đất đai, Luật đầu tư. Cụ thể:
          Tại Điều 14, Điều 15 quy định về giao rừng, cho thuê rừng đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, tuy nhiên không xác định việc cho thuê rừng có thông qua đấu giá quyền sử dụng rừng hay không. Rừng tự nhiên với những đặc thù nhất định, cần được quy định rõ việc đấu giá hay không đấu giá để tạo hành lang pháp lý cho các địa phương khi triển khai công tác giao rừng, cho thuê rừng.
          Với Luật Đầu tư, sau khi khảo sát địa điểm đề xuất đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp ý kiến của các Sở, ngành trong đó có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để UBND tỉnh ban hành Quyết định Chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, việc quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng ở địa phương thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh với phiên họp mỗi năm 2 lần. Như vậy, nếu đợi Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (mỗi năm 02 kỳ họp) sẽ chậm thu hút đầu tư và không đảm bảo thủ tục hành chính về đầu tư; trường hợp UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư khi chưa được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác sẽ không phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017.
          Đề xuất, kiến nghị
          Để đảm bảo việc thi hành Luật Lâm nghiệp năm 2017 thực sự có hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát triển ngành lâm nghiệp, đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét:
          Một là: Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các địa phương, các đơn vị chủ rừng. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tài trợ kinh phí cho các tập huấn, đào tạo nhằm khuyến khích các cơ quan, đơn vị cử công chức, viên chức tham gia, đồng thời qua đó nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh.
          Hai là: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Đầu tư đảm bảo nội dung tương thích với những điểm mới của Luật Lâm nghiệp năm 2017, trong trường hợp cần thiết, sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.

Tác giả bài viết: Cao Xuân Hưng - PTP. Sử dụng và PTR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay6,154
  • Tháng hiện tại104,932
  • Tổng lượt truy cập1,710,790
CHI CỤC KIỂM LÂM TỈNH BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm nội dung : Ông Trần Quốc Hùng - Chi cục trưởng - Trưởng ban biên tập
Đc: 673 đường Phú Riềng Đỏ, P. Tân Bình, TX Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
ĐT 0271.3.879461 - 0271.3.886.490 ; Email: CCKIEMLAMBINHPHUOC@GMAIL.COM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây