Sau khi nhận được thông tin từ anh Tú, sáng ngày 05/5/2021 đại diện Chi cục Kiểm lâm đã liên hệ và đến trực tiếp hộ gia đình anh Tú để tiếp nhận động vật. Ghi nhận tại hộ gia đình anh Tú có 01 cá thể Cu li nhỏ, trọng lượng cơ thể khoảng 0,2 kg, khỏe mạnh, vận động bình thường, không bị thương tích. Ngay trong ngày động vật đã được Chi cục Kiểm lâm chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập để theo dõi tập tính, chăm sóc, cứu hộ theo quy định. Dự kiến cá thể Cu li nhỏ sẽ trở về với môi trường tự nhiên trong thời gian sớm nhất, khi đảm bảo đủ điều kiện.
Qua trao đổi với anh Tú, thì biết “bé” Cu li được anh phát hiện và giữ lại trong quá trình đi hái nấm tại lô cao su của người dân trong thôn. Do thấy nó đẹp, dễ thương, hiền lành và đi chậm chạm nên anh đã đem về nhà. Ban đầu anh Tú không biết loài động vật mình mang về là loài gì, tuy nhiên khi lên mạng Internet để tìm hiểu mới biết nó thuộc loài Cu li rất quý, hiếm. Ngay lập tức anh Tú đã quyết định liên hệ với cơ quan Kiểm lâm để giao nộp lại, mặc dù trước đó đã có nhiều người tới liên hệ với anh để mua “bé” Cu li này với giá cao khi biết anh bắt được.
Việc từ chối bán “bé” Cu li và thông báo ngay cho cơ quan Kiểm lâm để giao nộp của anh Tú rất được biểu dương và nhân rộng. Chính việc cương quyết khước từ bán loài động vật này cũng là hành động tránh cho anh Tú khỏi một vụ vi phạm hình sự, bởi nếu việc buôn bán động vật (cụ thể trong trường hợp này là loài Cu li) diễn ra, một khi bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ thì anh Tú có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt tù nhẹ nhất cũng từ 01 năm đến 05 năm tù.
Hình ảnh: anh Đào Trọng Tú bàn giao cá thể Cu li nhỏ cho đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước. Ở Việt Nam hiện có hai loài Cu li là Cu li lớn (tên khoa học Nycticebus bengalensis) và Cu li nhỏ (tên khoa học Nycticebus pygmaeus) thuộc Bộ linh trưởng. Cả hai loài này đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức cao nhất bởi chúng là động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 64/2019NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán … trái phép đã là hành vi phạm pháp luật và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, căn cứ vào số lượng cá thể Cu li bị tịch thu, đối tượng vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 15 năm tù giam theo Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Loài Cu li là loài sống về đêm, ban ngày cuộn tròn mình lại để ngủ, chúng rất hiền, tương đối chậm chạm, không thể chạy hay nhảy được, vì vậy chúng rất dễ bị săn bắt trộm, để ngăn Cu li tiết ra chất độc thường thì người nuôi hay người bán phải bẻ hết răng của chúng đi, hành động này trong nhiều trường hợp sẽ khiến Cu li bị chảy máu nhiều và nhiễm trùng, dẫn đến chết (theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học thì chất độc của Cu li ngoài tác dụng bảo vệ chúng khỏi ký sinh trùng, còn dùng để phòng vệ chống lại kẻ thù. Phần độc này nằm ở phần trong của cánh tay trước và được tiết ra cùng mồ hôi. Khi Cu li liếm phải chất độc sẽ theo tuyến nước bọt, nên nếu không may bị loài này cắn, con mồi cảm thấy đau đớn toàn thân. Chất độc của Cu li có thể gây phù nề, nôn mửa, mất vài tuần để chữa lành ở người và để lại sẹo. Trong những trường hợp cực đoan, đối với một số người mẫn cảm với nọc độc này, vết cắn từ răng của Cu li có thể khiến họ bị sốc phản vệ, đôi khi dẫn đến cái chết nếu không được cứu chữa kịp thời). Thống kê của các nhà động vật học cho thấy gần 80% Cu li bị chết trong quá trình vận chuyển hoặc nuôi nhốt.
Trong những năm gần đây, số lượng Cu li ngoài tự nhiên đã bị giảm sút rất nghiêm trọng, chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao bởi nạn săn bắt và buôn bán trái pháp luật của những kẻ hám lợi, phần lớn Cu li phục vụ cho nhu cầu của người chơi với thú vui nuôi nhốt làm cảnh hoặc sử dụng để bào chế thuốc đông y, gia truyền.
Cơ quan Kiểm lâm luôn khuyến khích và sẵn sàng tiếp nhận tin báo của người dân 24/24 giờ để các cá thể động vật hoang dã được trở về nơi chúng thuộc về. Khi thấy các vi phạm về động vật hoang dã, mọi người dân hãy gọi đến đường dây nóng (gọi miễn phí) 1800 1114 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước để thông báo. Chỉ một hành động nhỏ và kịp thời của chúng ta sẽ mang lại sự sống cho nhiều loài động vật, góp phần lớn trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã, ngăn nguy cơ các loài động vật hoang dã bị tuyệt chủng, biến mất khỏi trái đất.