Đề xuất các giải pháp để bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm xuất hiện trên lâm phần tỉnh Bình Phước

Thứ năm - 12/11/2015 02:42 8.631 0
Bình Phước là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây vùng Đông Nam Bộ với tổng diện tích đất lâm nghiệp là 173.094 ha, với nhiều loài động vật quý hiếm. Trong đó phải kể đến các loài động vật quý hiếm hiện hữu trên các lâm phần tỉnh Bình Phước là Voi châu Á (Elephas maximus), Bò rừng (Bos javanicus), Bò tót (Bos frontalis) xuất hiện trên lâm phần Nông lâm trường Bù Đốp, huyện Bù Đốp và Bò tót (Bos frontalis) xuất hiện trên lâm phần Nông lâm trường Tân Lập, huyện Đồng Phú.
Việc bảo tồn các loài động vật quý, hiếm đặc biệt là loài Bò rừng, Bò tót, Voi châu Á được các tổ chức bảo tồn quốc tế đặc biệt quan tâm. Việc đề xuất các giải pháp bảo tồn đàn Bò tót, Bò rừng, Voi châu Á trên các lâm phần tỉnh Bình Phước trong thời gian qua là vấn đề được lãnh đạo tỉnh Bình Phước rất chú trọng. Hiện nay, sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã quý, hiếm trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đang ngày càng bị thu hẹp lại, nếu không có biện pháp bảo tồn hợp lý, nhanh chóng và kịp thời thì nguy cơ các loài động vật hoang dã này bị tiêu diệt khá cao.
Trên cơ sở kết quả điều tra giám sát đàn bò hoang dã, kết quả khảo sát vùng sinh cảnh Voi, Bò rừng, Bò tót cư trú, di trú trên địa bàn huyện Đồng Phú và huyện Bù Đốp do Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (KBT), Viện sinh học nhiệt đới thực hiện có thể đề xuất các giải pháp bảo tồn các loài động vật quý, hiếm trên như sau:
I. Đối với đàn Bò tót tại Nông lâm trường Tân Lập, huyện Đồng Phú
Qua điều tra, khảo sát ghi nhận có sự hiện diện của đàn Bò tót (Bos frontalis) với số lượng từ 11 đến 19 con. Nhằm kịp thời bảo vệ số lượng đàn bò hoang dã hiện còn, có thể  đề xuất một số giải pháp trước mắt, như sau:
Một là, tổ chức hội thảo tìm ra giải pháp bảo tồn loài Bò tót hiện có
Sinh cảnh sống của đàn Bò tót tại huyện Đồng Phú còn khoảng gần 3.000 ha, tuy nhiên diện tích này đang ngay ngày càng bị thu hẹp lại (trước mắt sẽ giảm khoảng 500 ha trong thời gian tới theo chủ trương của UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép).
 Trong khi đó KBT là nơi có sinh cảnh thích hợp cho các loài động vật hoang dã; Trong khu vực này, còn tồn tại khá nhiều cá thể bò hoang dã đang sinh sống, phát triển. Mặt khác theo nhận định ban đầu, khả năng đàn bò hoang dã có sự di chuyển qua lại giữa huyện Đồng Phú và KBT. Vì vậy, đề xuất cần thiết phải xây dựng phương án di dời đàn bò hoang dã tại huyện Đồng Phú về về Khu Bảo tồn là hết sức cần thiết và cấp bách.
 Về phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp & PTNT có các phương án di dời đàn bò hợp lý; đồng thời đề nghị UBND tỉnh chủ trì tiến hành Hội nghị có sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm Lãnh đạo tỉnh, huyện, các sở ngành có liên quan tỉnh Bình Phước; Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai; các viện nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên trong nước, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong và ngoài nước, Thảo cầm viên Sài Gòn, các chủ trang trại, người dân trong khu vực có liên quan để bàn phương án thống nhất di dời, hay bảo tồn tại chỗ đàn Bò tót hiện còn tại huyện Đồng Phú.
Hai là, lập Dự án Bảo tồn đàn Bò tót tại huyện Đồng Phú
          Trước tình hình về chuyển đổi đất rừng như hiện nay ở tỉnh Bình Phước, việc xây dựng Dự án Bảo tồn đàn Bò tót tại huyện Đồng Phú là rất cần thiết và cấp bách, nguồn kinh phí được sử dụng từ nguồn chi sự nghiệp môi trường hàng năm của tỉnh Bình Phước hoặc từ nguồn vốn khác và phải có sự tham gia của các chủ trang trại, người dân sinh sống trong khu vực đàn bò cư trú.
 
Hình ảnh đàn bò tót (Bos frontalis) tại huyện Đồng Phú

 
Ba là, thành lập Khu Bảo tồn loài và Sinh cảnh Bò tót tại huyện Đồng Phú
Chi cục Kiểm lâm tham mưu UBND tỉnh cần phải tiến hành ngay việc quy hoạch một số diện tích rừng tự nhiên liền mảnh hiện còn cho đàn bò hoang dã làm nơi cư trú, sinh sống. Ưu tiên giữ lại và bảo vệ các diện tích rừng tự nhiên giáp ranh với KBT nhằm tạo điều kiện cho đàn bò hoang dã có cơ hội mở rộng sinh cảnh về phía KBT. Đồng thời, tiến hành xây dựng hồ sơ xin UBND tỉnh Bình Phước thành lập Khu Bảo tồn loài và Sinh cảnh Bò tót tại chỗ nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát triển loài Bò tót và sinh cảnh sống của chúng, bảo vệ các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm hiện có tại khu vực.
          Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, hạn chế xung đột
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương về tầm quan trọng đối với việc bảo tồn ĐDSH, bảo vệ loài Bò tót bằng nhiều hình thức như: tổ chức các buổi tuyên truyền về giá trị và tầm quan trọng của các loài Bò hoang dã đang tồn tại trên địa bàn, in ấn sách, tờ rơi, vở học sinh, sổ tay, lịch treo tường, áo, nón,... giới thiệu về giá trị bảo tồn và các biện pháp bảo vệ loài Bò tót và Bò rừng; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng phát thanh, truyền hình công cộng,…
          Năm là, tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ sinh cảnh
          Nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm giáp ranh về: ĐDSH và quản lý ĐDSH, nâng cao kỹ năng tuần tra rừng và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài nguyên rừng, pháp luật và thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Tăng cường công tác tuần tra, truy quét của Kiểm lâm và lực lượng liên ngành trong khu vực.
II. Đối với đàn Bò rừng, Voi châu Á tại Nông lâm trường Bù Đốp, huyện Bù Đốp
Đàn Voi châu Á gồm 4 con và đàn Bò tót gồm 4-5 cá thể, Bò rừng (dấu chân để lại và thông tin mới nhất có khoảng 10 con) cùng sinh sống tại các tiểu khu 55, 59, 60, 61, 65, 66, 69,70 và 74 của Nông lâm trường Bù Đốp, nhất là những khu vực có tre lồ ô và cỏ tre của rừng khộp là nguồn thức ăn chính của Voi châu Á và Bò rừng. Vì vậy để bảo tồn các loài động vật quý hiếm trên trên đề xuất xây dựng một khu bảo tồn ở khu vực Nông lâm trường Bù Đốp bao gồm các sinh cảnh thường xanh, rừng hỗn giao gỗ, tre nứa và rừng khộp của các tiểu khu 55, 59, 60, 61, 65, 66, 69,70 và 74 nhằm bảo tồn các loài thú quý hiếm trên và các loài động vật hoang dã khác cùng sinh sống trong vùng sinh cảnh của Voi, Bò là Vọc chà vá chân đen, Vượn đen má vàng, Báo hoa mai, Gà lôi hông tía, Hồng hoàng, hạc cổ trắng, Gà so cổ hung.
Tuy nhiên để xây dựng Khu Bảo tồn Thiên nhiên nhằm bảo tồn các loài thú quý hiếm trên cần có chương trình điều tra nghiên cứu tổng thể về đa dạng sinh học ở khu vực rừng của Nông lâm trường Bù Đốp trong thời gian tới. Điều này sẽ góp phần xây dựng được những cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của các loài động vật góp phần giám sát đa dạng và bảo tồn sinh học. Bên cạnh đó sẽ có cơ sở dữ liệu tốt nhằm thẩm định những báo cáo đánh giá tác động môi trường do các tổ chức và cá nhân khác tiến hành và nâng cao năng lực của các cơ quan giám sát. Điều này sẽ giúp các cơ quan giám sát tư vấn đúng đắn cho UBND tỉnh ra những quyết sách thích hợp để phát triển kinh tế bền vững ở địa phương

Tác giả bài viết: Trần Thị Liên - Phòng Bảo tồn thiên nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay5,625
  • Tháng hiện tại62,231
  • Tổng lượt truy cập1,668,089
CHI CỤC KIỂM LÂM TỈNH BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm nội dung : Ông Trần Quốc Hùng - Chi cục trưởng - Trưởng ban biên tập
Đc: 673 đường Phú Riềng Đỏ, P. Tân Bình, TX Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
ĐT 0271.3.879461 - 0271.3.886.490 ; Email: CCKIEMLAMBINHPHUOC@GMAIL.COM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây